Phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng từ một phong trào

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa tỉnh Kiên Giang đã phát triển sâu rộng, toàn diện và trở thành phong trào thi đua sôi nổi, thực sự đi vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, thông qua phong trào, chất lượng cuộc sống của hầu hết các gia đình được nâng lên rõ rệt, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân ngày càng cao, đẩy lùi và bài trừ các tệ nạn xã hội, tiến tới xây dựng môi trường văn hóa sạch – đẹp – an toàn, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; làm cho phong trào lan tỏa, thấm sâu vào từng gia đình và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, hướng tới một xã hội thực sự văn minh. Có thể nói, phong trào TDĐKXDĐSVH là một sáng kiến của Đảng ta trên cơ sở tổng kết các phong trào văn hóa đem lại hiệu quả cao từ năm 1998 đến nay. Xác định được tầm quan trọng đó, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện 06 nội dung chủ yếu trong phong trào TDĐKXDĐSVH đó là: Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Ấp (khóm, khu phố, khu vực) văn hóa”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa”; “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

UBNMTQVN tỉnh và Sở VHTTDL ký kết chương trình phối hợp nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH

Sau gần 15 năm triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo các cấp đã tổ chức tổng kết 5 năm (giai đoạn 2000 – 2005), 10 năm (giai đoạn 2000 – 2010) phong trào TDĐKXDĐSVH. Qua mỗi lần tổng kết, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện để phong trào phát triển vững chắc. Một số danh hiệu văn hóa đã được đưa vào Luật Thi đua Khen thưởng (gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa). Xác định các đầu việc được ngân sách Nhà nước cấp đảm bảo hoạt động phong trào của Ban Chỉ đạo các cấp; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo; ban hành các chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa, khuyến khích khen thưởng các danh hiệu văn hóa trong phong trào, củng cố kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phong trào trên toàn tỉnh…

Thông qua phong trào, nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình và lễ hội được tổ chức trang trọng, ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát triển đa dạng; nhân dân đoàn kết lao động sản xuất, thi đua làm giàu, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã có nhiều hộ gia đình đóng góp tài vật xây dựng giao thông nông thôn, xóa nhà dột nát tạm bợ, xây dựng công trình văn hóa, thể thao; hoạt động an sinh xã hội phục vụ cộng đồng; việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng văn minh, tiết kiệm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 7,23%, năm 2014 giảm còn 3,78%; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 35,89 triệu đồng đến năm 2014 là 49,18 triệu đồng. Diện mạo nông thôn và thành thị ngày càng phát triển.

Nhiều địa phương chủ động sáng tạo đưa các nội dung xây dựng đời sống văn hóa cụ thể hóa thành một số tập quán tốt đẹp tương thân, tương ái ở các địa phương như Ngày vì người nghèo; hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt; hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, gia đình có 3 – 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận hạnh phúc, con cháu hiếu thảo, nuôi con khỏe dạy con ngoan, thực hiện tốt bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm ở khu dân cư được duy trì tổ chức. Phong trào TDĐKXDĐSVH đã lôi cuốn các tầng lớp xã hội tham gia, huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo, xây dựng đời sống văn hóa. Qua đó đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, giúp các gia đình chính sách neo đơn, khó khăn; chăm sóc, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa cách mạng và các di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương.

Xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa giai đoạn  năm 2011- 2013

Phong trào TDĐKXDĐSVH đã gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, gắn với các chủ trương lớn của Đảng như Chỉ thị 27-CT/TW  của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào do các cơ quan, ngành, đoàn thể  phát động như: Mô hình dân vận khéo; Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo và bảo vệ môi trường; cổng rào phòng, chống tội phạm; phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng người tốt, việc tốt; phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; gia đình 5 không, 3 sạch; thanh niên sống đẹp; kế hoạch hóa gia đình; xây dựng thiết chế văn hóa… được lồng ghép vào nội dung, chương trình công tác, kế hoạch hành động của phong trào TDĐKXDĐSVH. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào các huyện, thị, thành phố, đến cuối năm 2014 đã có 344.983/396.513 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (đạt 87%); có 814/957 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa (đạt 85%); có 1.597/1.705 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 93%); Số ngư¬¬ời tham gia luyện tập TDTT th¬ường xuyên đạt 24%. 

Phong trào tuy có sự đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tuy được giữ vững nhưng từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Vấn đề vệ sinh môi trường, trật tự đô thị một số nơi chưa đảm bảo.

Nhận thức của một số hộ gia đình chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào, coi nhẹ việc xây dựng gia đình văn hóa, chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cấp.

Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao còn hạn chế, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn khiêm tốn, phát huy hiệu quả còn khó khăn.

Phong trào phát triển khá sâu rộng trong toàn tỉnh, nhưng trình độ cán bộ quản lý và tổ chức phong trào ở địa bàn xã, phường không theo kịp. Thiếu những kỹ năng về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, dẫn tới cán bộ nhiều nơi lúng túng trong xử lý công việc, làm theo kinh nghiệm, chạy theo số lượng, ít quan tâm đến chất lượng, nhất là trong bình xét gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Để phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng và phát triển bền vững, thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước và phong trào TDĐKXDĐSVH. Kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ ở cơ sở; tổ chức thực hiện tốt việc bình xét, công nhận, khen thưởng các danh hiệu văn hóa; tạo nên sự phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu của phong trào ở cơ sở; tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở, khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao; kiên quyết đấu tranh, bài trừ những tệ nạn và tiêu cực trong đời sống xã hội; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo trong việc phối hợp lãnh đạo, tổ chức, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt phong trào.

Tóm lại, phong trào TDĐKXDĐSVH là một cuộc vận động lớn, liên quan đến nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… Trong đó, xây dựng thật tốt nếp sống văn hóa trong toàn xã hội là mục đích lớn nhất của phong trào. Để đạt được mục tiêu này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân để văn hóa thực sự là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi” như lời Bác Hồ từng căn dặn./.

 

Lê Minh Hoàng

TUV. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch