ĐẢO PHÚ QUỐC – LẮNG SÂU NƠI ĐẢO XA

Phú Quốc hòn đảo của những điều kỳ diệu, được thiên nhiên ban tặng một vị trí đặc biệt, khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại nằm trong vịnh Thái Lan, nên ít chịu ảnh hưởng của thiên tai. Chính vì điều kiện khí hậu này đã đem đến cho Phú Quốc một nguồn tài nguyên vô giá là rừng nhiệt đới, với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Và đặc biệt, tất cả các hệ sinh thái rừng có ở Việt Nam đều có mặt ở Phú Quốc. Rừng quốc gia Phú Quốc như một bảo tàng hiếm có ở Việt Nam. Đến tham quan rừng quốc gia Phú Quốc, bên cạnh việc tìm hiểu về nhiều loài động vật có tên trong danh sách những loài quý hiếm như sói rừng, khỉ bạch… Du khách còn có thể tắm suối, tắm sông, rồi leo núi, vào hang lên rừng quan sát cuộc sống của các loài động vật hoang dã.

 “ĐẢO NGỌC PHÚ QUỐC” Hầu hết bãi biển trên đảo như bãi Sao, Kem, Dài… đều đẹp đến xiêu lòng với cát trắng mịn nâng niu gót chân và nắng vàng, gió nhẹ cùng với những con sóng lăn tăn xô bờ mơn man da thịt.

Đến với đảo Ngọc là đến với biển. Đặc biệt là bãi Sao cách trung tâm thị trấn Dương Đông khoảng 25 km đường bộ. Tuy được mệnh danh là “con đường đau khổ”, nhưng khi bãi Sao hiện ra trước mắt, bao mệt mỏi đều tan biến.

Vì mới có một nhà hàng khai thác dịch vụ tại đây nên bãi Sao vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, bình dị. Chúng tôi dành cả một buổi chiều không có nắng, ngồi trên cát trắng ánh lên mịn màng, ngắm sóng biển nhẹ nhàng dạt vào bờ và ngắm muống biển (dù ở bất cứ nơi đâu và muôn đời vẫn thế nhưng dường như ở nơi đây chúng mang sắc xanh, tím mượt mà hơn).

Trong thời gian một tuần ở Phú Quốc, chúng tôi đã làm phong phú các hoạt động của mình bằng việc mua một tour đi ra đảo câu cá và lặn ngắm san hô. Thật không may lắm hôm đó lại đúng là ngày có gió bắc, biển động đôi chút nên dễ làm say sóng những kẻ một năm chỉ đến với biển một đến hai lần này.

Say sóng thì say nhưng vẫn vui lắm vì sau bao cố gắng, chúng tôi, với sự hướng dẫn của các boatguy, cũng câu được vài con cá bé tí xíu, góp phần vào cùng với cả đoàn để được một bữa cá nướng cũng ra trò ngay trên thuyền. Nhất là mấy anh chị khách du lịch “khoai tây” vừa ăn vừa cười tít mắt. Chúng tôi cũng không thể quên cái cảm giác hối hả lặn ngụp ngắm những rặng san hô lung linh huyền ảo dưới làn nước xanh ngăn ngắt và ngắm mấy anh nhà thuyền bắt Cầu gai (còn gọi là Nhum) theo yêu cầu được thưởng thức món đặc sản này của du khách.

Nếu muốn mạo hiểm hơn một chút, bạn có thể mua tour đi lặn biển (diving) nhưng chúng tôi không muốn bị lặp lại cảm giác say sóng lần nữa nên chỉ lười nhác nằm phơi nắng, nghe sóng biển vỗ bờ, lim dim mơ màng đôi chút và phiêu trong thế giới của biển thật xanh, thật trong, thật êm. Trời cũng thật trong, thật xanh, thật lung linh yên bình.

Phú Quốc không chỉ đẹp ở biển mà còn đẹp ở những con đường đất đỏ, những con suối trong vắt róc rách ẩn mình trong núi như suối Đá Bàn, suối Tiên, suối Hang, suối Tranh. Trong đó, có 2 con suối là suối Tranh và suối Đá Bàn được nhiều du khách biết đến nhờ đường đi dễ dàng. Và chúng tôi có lẽ đã quen với sự dễ dàng và lười biếng liền thuê một chiếc môtô lên đường đi suối Đá Bàn. Đi hết thị trấn Dương Đông là gặp ngay những con đường đất đỏ đưa chúng tôi qua những ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ngôi trường tiểu học nhỏ bé, những vườn hồ tiêu và sim tím mọc đầy để…lên núi.

Suối Đá Bàn, không biết cái tên xuất xứ liệu có phải do những viên đá cứ xếp lên nhau bằng chằn chặn như những chiếc bàn? Chỉ biết lên đây chúng tôi được leo núi và tắm suối và được chỉ mình với ta làm bạn với núi rừng, với suối róc rách. Và đặc biệt chúng tôi không thể quên được món đặc sản gà nướng Phú Quốc nơi quán nhỏ dưới chân suối.

Sau 2 giờ leo núi, chúng tôi đã tự thưởng cho mình bữa trưa là nguyên một chú gà nướng 1,5 kg mà vẫn thấy… thòm thèm. Gà được tẩm ướp theo bí quyết riêng của bà chủ (bà chỉ hé lộ mỗi một loại gia vị tẩm ướp là nước mắm Phú Quốc) rồi nướng ngay trên chậu than củi hồng rực bên cạnh bàn ăn đã bày biện bát đũa, rau thơm, nước chấm chua ngọt theo khẩu vị bản xứ… Du khách cũng có thể đặt bà chủ mang gà nướng lên trên suối để thưởng thức giữa cái khoáng đạt của núi rừng.

Ngoài “gà nướng Phú quốc”, “Vùng đất giàu có” như cái tên mang lại này còn đem đến cho du khách những đặc sản không thể không thưởng thức như: còi biên mai, nước mắm, tiêu, rượu sim, rượu mỏ quạ, ngọc trai. Chỉ tiếc là chó Phú Quốc (loài chó săn đặc biệt thông minh) không mang được về làm quà, còn lại chúng tôi đã rinh không thiếu thứ gì về Hà Nội để mà mỗi khi thưởng thức chút rượu sim lại tưởng như được uống cả hương núi rừng ngọt ngào trên đảo hay trong bữa cơm có bát nước chấm lại tưởng như mình đang ăn cả cái vị mặn mòi mà đậm đà khó quên của biển đảo Phú Quốc.

Tạm chia tay Đảo Ngọc với những bãi biển dài cát trắng mịn màng, những con đường đất tung bụi đỏ, những dòng suối trong vắt khuất mình trong núi… để về với cuộc sống thường nhật hối hả và hẹn một ngày gặp lại “nơi bình yên” ấy.

Theo dự báo đến năm 2020, Phú Quốc sẽ đón khoảng 2 – 3 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 35 – 40% và đến năm 2030 sẽ đón khoảng 5 – 7 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm 45 – 50%.

Về qui mô dân số, đến năm 2020, đảo sẽ là nơi sinh sống của 260.000 – 320.000 người; dân số đô thị từ 210.000 263.000 người. Ngoài ra, dân số qui đổi từ khách du lịch khoảng 30.000 – 40.000 người (tương ứng 2 – 3 triệu du khách/năm kể trên).

Đến 2030, Phú Quốc, nếu qui hoạch thành công, sẽ có chừng 540.000 – 800.000 người dân đảo; dân số đô thị khoảng 459.000 – 720.000 người và dân số qui đổi từ khách du lịch khoảng 140.000 – 200.000 người (tương ứng 5 – 7 triệu du khách/năm).

(dulichhangngay.com.vn)